Bệnh sùi mào gà ở nữ: nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa
Sùi mào gà là một trong những căn bệnh lây lan qua đường tình dục có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể nữ giới. Vậy nguyên nhân bị sùi mào gà ở nữ là gì? Làm sau nhận biết triệu chứng bệnh sùi mào gà ở nữ giới? Cách chữa sùi mào gà ở nữ ra sao? Cùng Kotex và Bác Sĩ Phạm Tú Linh tìm hiểu chi tiết những vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Tham khảo: Những điều cần biết về vi khuẩn HPV, vắc xin HPV và xét nghiệm HPV
Bệnh sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà (còn gọi là bệnh mồng gà, mụn cóc sinh dục) là một trong những bệnh thường lây truyền qua đường tình dục. Bệnh có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới, do một loại virus gây ra là Human Papilloma Virus (HPV).
Bệnh lây truyền dễ dàng qua sự tiếp xúc da- da, qua các dịch tiết hay chất bài tiết của cơ thể. Bệnh có thể lây qua miệng, âm đạo hay hậu môn, khi hoạt động tình dục trực tiếp, từ da và niêm mạc người bị nhiễm sang da và niêm mạc của bạn tình.
Tham khảo: Cách sử dụng viên đặt phụ khoa đúng và an toàn
Nguyên nhân bị sùi mào gà ở nữ giới
-Virus HPV gây bệnh sùi mào gà rất đa dạng và phân bố rộng rãi , được phát hiện trên cả động vật và con người. Có hơn 200 type HPV được tìm thấy, tuỳ theo cơ quan đích, có hai nhóm HPV:
1/ Nhóm HPV trên da có cơ quan đích là da bàn tay và bàn chân.
2/ Nhóm HPV niêm mạc xâm nhiễm lớp tế bào trong cùng của niêm mạc môi, miệng, đường hô hấp và biểu mô sinh dục.
-Có hơn 40 type HPV có thể lây truyền dễ dàng qua hoạt động tình dục trực tiếp. Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân chính gây bệnh sùi mào gà ở nữ giới và nam giới, bao gồm quan hệ đường âm đạo, đường miệng hay quan hệ qua hậu môn... đều có nguy cơ lây nhiễm như nhau.
-Bệnh sùi mào gà cũng lây từ mẹ sang con nếu người mẹ đang bị nhiễm virus khi mang thai và khi sanh.
-Ngoài ra, do đặc điểm cấu trúc HPV khá bền vững, do đó cũng có thể lây truyền ngoài hoạt động tình dục như tiếp xúc với đồ vật có nhiễm HPV ( quần áo chung, bàn chải đánh răng, sex toys,...).
Cơ quan sinh dục của nữ giới có âm đạo là cấu trúc dạng ống, môi trường ẩm ướt là nơi lưu trữ virus lâu, thuận lợi cho sự phát triển của virus, nên thường bệnh sùi mào gà ở nữ giới sẽ nặng và khó điều trị hơn nam giới.
Tham khảo: Khí Hư Màu Vàng Cảnh Báo Bệnh Gì?
Triệu chứng bệnh sùi mào gà ở nữ giới
Bệnh sùi mào gà có thời gian ủ bệnh trung bình 3 tuần - 9 tháng tuỳ theo hệ miễn dịch của người bị nhiễm. Lúc này, biểu hiện sùi mào gà ở nữ giới không rõ ràng.
Sau đó, dấu hiệu bệnh sùi mào gà ở nữ giới thường gặp là sự xuất hiện các sang thương dạng nhú nhỏ mềm, màu hồng tươi, nhô lên có chân hoặc có cuống, hoặc sang thương dạng phẳng là những đĩa bẹt tròn, màu hồng, không đau nhưng dễ chảy máu. Càng về sau, sùi mào gà phát triển dài và tạo thành những mảng rộng trông giống như mồng gà hoặc hoa súp lơ. Các nốt sùi mào gà có bề mặt ẩm ướt, dễ chảy máu, khi quan hệ có cảm giác đau.
Sùi mào gà ở nữ giới có thể xuất hiện ở vùng âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, quanh hậu môn hoặc trên môi, miệng, lưỡi.
Tham khảo: Đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Biến chứng sùi mào gà ở nữ
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Châu Âu về Bệnh lý viêm nhiễm và Tân sinh đường sinh dục, HPV là nguyên nhân quan trọng gây ung thư cổ tử cung.
Nhiễm virus HPV type 6 và 11 gây sùi mào gà có thể điều trị, không hoá ác.
Nhiễm virus HPV type 16, 18, 31 và 45 thường gặp trong các tế bào ác tính của ung thư cổ tử cung .
Mẹ bị sùi mào gà trong khi mang thai có thể tăng nguy cơ dị tật cho con, khi sanh ngả âm đạo có thể gây nhiễm HPV cho trẻ và gây bệnh u nhú thanh quản cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Tham khảo: Bệnh Huyết Trắng Là Gì: Triệu Chứng & Cách Trị Tại Nhà
Cách chữa sùi mào gà ở nữ giới
Bệnh sùi mào gà ở nữ giới có thể lây nhiễm nhanh chóng sang các bộ phận khác. Vì vậy, khi có các triệu chứng của sùi mào gà, bạn gái nên đi khám và điều trị kịp thời.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp hay cách chữa bệnh sùi mào gà ở nữ giới:
1/ Thuốc bôi: có nhiều loại thuốc bôi hoặc chấm, có các thành phần như nhựa podophyllum, trichloactic acid, podophyllotoxine, imiquimod, veregen...
Sử dụng trên các sang thương nhỏ, ngoài da vùng âm hộ,quanh hậu môn, không dùng trên sang thương ở âm đạo, cổ tử cung, lỗ niệu đạo hoặc trong hậu môn.
Dùng bôi hoặc chấm ngay trên bề mặt nốt sùi, tránh dính lên vùng da lành. Tác dụng phụ có thể gây loét da, dị ứng, một số thuốc không được dùng trên phụ nữ có thai.
2/ Áp lạnh: dùng nitơ lỏng đông lạnh các nốt sùi. Dùng trên các nốt sùi nhẹ, không để lại sẹo. Nhược điểm là có thể gây đau và sưng, cần tiến hành nhiều lần để nốt sùi bong hết.
3/ Đốt điện: dùng dòng điện cao tầng đốt nóng các nốt sùi, có hiệu quả điều trị cao và tránh tái phát. Tuy nhiên có thể gây đau và để lại sẹo.
4/Đốt laser: tia laser có thể phá huỷ chính xác các tổn thương sùi mào gà mà không gây chảy máu, ít đau. Sử dụng được trên các nốt sùi to, ít tái phát. Cần kết hợp thêm dung dịch vệ sinh và thuốc bôi sau trị liệu để tránh viêm nhiễm và tái phát.
5/ Liệu pháp quang động không xâm lấn (PDT) : sử dụng tác động của ánh sáng, oxy và chất cản quang giúp phá huỷ tế bào sùi mào gà có chọn lọc. Điều trị triệt để, tái phát thấp, không đau, không để lại sẹo.
Tham khảo: Nổi mụn ở vùng kín - bạn gái phải làm gì?
Phòng bệnh sùi mào gà ở nữ
Chích ngừa là một trong các phương pháp hiệu quả nhất để ngừa HPV. Chích ngừa HPV được khuyến cáo thường quy cho tất cả các bé trai và bé gái từ 9 tuổi. Có thể chích ngừa cho tới 26 tuổi ở nữ và 21 tuổi ở nam.
Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su cho nam giới có hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm HPV qua quan hệ tình dục.
Giảm bạn tình, không giao hợp trong giai đoạn điều trị bệnh. Điều trị bạn tình là can thiệp quan trọng để ngăn ngừa tái nhiễm.
Tham khảo: Cần Làm Gì Khi Bị Chảy Máu Vùng Kín Ngoài Kỳ Kinh Nguyệt?