Có nên chích ngừa ung thư cổ tử cung và những điều cần biết

Có nên chích ngừa ung thư cổ tử cung và những điều cần biết

Ung thư cổ tử cung là gì? Có nên chích ngừa ung thư cổ tử cung hay không? Đây là mối quan tâm của rất nhiều bạn gái. Để trả lời câu hỏi này, bạn gái cần hiểu rõ về các vấn đề liên quan đến tiêm phòng ung thư cổ tử cung như độ tuổi, quy trình tiêm và các loại vacxin phòng ung thư cổ tử cung. Hãy để Kotex và chuyên gia Bùi Thị Thu Hà giúp bạn giải đáp các thắc mắc này nhé!

Ung thư cổ tử cung là gì?

Trước khi tìm hiểu về tiêm ngừa ung thư cổ tử cung, các bạn gái cần biết ung thư cổ tử cung là bệnh gì. Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Người mắc bệnh này thường là các bạn gái - nữ giới đang ở độ tuổi sinh hoạt tình dục, từ 30 đến 45 tuổi. 

Mối liên quan giữa virus HPV và ung thư cổ tử cung

HPV là một kiến thức quan trọng bạn nữ cần biết và phòng tránh bởi vì HPV là một trong những tác nhân phổ biến của bệnh lây truyền qua tình dục ở nam và nữ.

HPV là viết tắt của Human Papilloma Virus, một loại vi khuẩn thuộc họ Papovaviridae gây u nhú ở người và là một trong những tác nhân phổ biến của các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam và nữ.

HPV có thể lây qua hoạt động tình dục trực tiếp, hoặc thậm chí là từ da và niêm mạc người bị nhiễm sang da và niêm mạc của bạn tình. Bạn biết không, có đến hơn 40 loại HPV có thể lây truyền dễ dàng lận đấy!

Trong các loại HPV tấn công niêm mạc sinh dục, các HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung và những tổn thương tiền ung thư có thể chia thành 2 nhóm, nguy cơ thấp và nguy cơ cao:

-Nhóm nguy cơ thấp: HPV type 6, 11, 42, 43, và 44.

-Nhóm nguy cơ cao: HPV type 16, 18, 31, 33, 34, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68 và 70. Trong đó, virus HPV type 16, 18, 31 và 45 là thường gặp nhất trong các tế bào ác tính của ung thư cổ tử cung.

Nếu bị nhiễm virus HPV nguy cơ cao, chu trình tế bào của bạn sẽ bị thay đổi và gây tân sinh trong biểu mô cổ tử cung, dương vật, niệu đạo, bàng quang, âm hộ, âm đạo.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV của bạn gái

Nguy cơ lây nhiễm virus HPV tăng lên với các yêu yếu tố sau đây:

-Có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, đã có bệnh lý lây truyền qua tình dục từ trước sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.

-Bạn nên lưu ý là chỉ sử dụng bao cao su sẽ không đủ ngăn ngừa việc nhiễm HPV.

-Nguy cơ nhiễm HPV sẽ thay đổi theo tuổi của bạn gái. Ở độ tuổi hoạt động tình dục (từ 18 đến 30 tuổi) sự lây nhiễm HPV xảy ra nhiều nhất, sau đó giảm nhanh. Điều này liên quan với cơ chế hình thành hiện tượng chuyển sản của cổ tử cung lộ tuyến. Cơ chế này chỉ mạnh nhất khi bạn gái dưới 30 tuổi, tức là rơi vào tuổi dậy thì và mang thai lần đầu tiên. HPV sẽ tấn công vào các tế bào chuyển sản non của bạn gái, từ đó gây nhiễm HPV trên các tế bào này.

Nhiễm HPV là điều kiện đầu tiên dẫn đến ung thư tử cung, nhưng đó không có nghĩa rằng nếu bạn gái bị nhiễm HPV thì chắc chắn sẽ bị ung thư đâu bạn nhé. Nhiều yếu tố khác có thể làm thay đổi tiến trình tấn công, xâm nhập, và tác động trên tế bào của HPV. Trong 80% các trường hợp nhiễm HPV, hệ miễn dịch của bạn có thể phản ứng lại virus HPV và làm cho quá trình xâm nhập của virus bị đảo ngược. Tuy nhiên, khoảng 10% trường hợp nhiễm HPV sẽ dẫn đến ung thư.

Có nên chích ngừa ung thư cổ tử cung?

Nếu bạn gái đang có ý định chích ngừa ung thư cổ tử cung, nào cùng tìm hiểu thêm nhé. Chích ngừa ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả cao nhất khi bạn gái tiêm phòng trước lần quan hệ tình dục đầu tiên và trong độ tuổi từ 9 đến 26.

Vaccine HPV có thể ít hiệu quả trên những bạn gái đã phơi nhiễm với virus HPV, nhưng vẫn có tác dụng đối với:

-Những bạn gái đã quan hệ tình dục, đã có triệu chứng tế bào học cổ tử cung bất thường hay mụn cóc vẫn có thể có lợi từ việc tiêm phòng HPV.

-Những bạn gái đã nhiễm virus HPV trước đó nếu tiêm vaccine HPV có thể tạo kháng thể bảo vệ đối với những loại HPV mà bạn chưa nhiễm.

Các loại vacxin phòng ung thư cổ tử cung cho bạn gái

Hiện nay có 3 nhóm vaccine phòng ung thư cổ tử cung bạn gái có thể chọn:

-Các vaccine nhị giá (2vHPV) nhằm vào 2 loại HPV sinh ung là 16 và 18, được tìm thấy trong 66% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

-Các vaccine tứ giá (4vHPV) nhằm vào 2 loại HPV sinh ung phổ biến là type 16 và 18 cộng thêm 2 loại HPV không sinh ung (gây mụn cóc sinh dục) là type 6 và 11.

-Các vaccine chín giá (9vHPV) nhằm vào cả bốn loại HPV type 16, 18, 6, và 11 kể trên, cộng thêm 5 loại có nguy cơ cao sinh ung khác là 31, 33, 45, 52 và 58. 5 loại HPV này gây ra khoảng 15% tổng số ca ung thư cổ tử cung.

Độ tuổi chích ngừa ung thư cổ tử cung

Ủy Ban Tư Vấn về Quy Trình Phòng Ngừa Miễn Dịch (ACIP) đề nghị các đối tượng cần được tiêm phòng vaccine HPV như sau cho bạn gái:

-Bé gái 11-12 tuổi. hoặc từ 9 tuổi trở lên.

-Bạn gái và phụ nữ đến 26 tuổi.

-Trẻ em từng bị tấn công hay lạm dụng tình dục nên bắt đầu tiêm từ 9 tuổi

Quy trình chích ngừa ung thư cổ tử cung

Thông thường, bạn gái sẽ tiêm theo phác đồ ba mũi như sau:

-Liều 1: Ngày bắt đầu.

-Liều 2: 1-2 tháng sau liều 1

-Liều 3: 6 tháng sau liều 1. Nếu liều thứ 3 rơi vào sau 26 tuổi thì vẫn nên hoàn tất liệu trình 3 mũi, dù đang ở tuổi 27.

Tác dụng phụ sau khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Sau khi tiêm phòng, các bạn gái nên lưu ý theo dõi sức khỏe bản thân do sẽ có khả năng bạn bị dị ứng với thành phần nấm men trong vacxin ung thư cổ tử cung. Một số biểu hiện dị ứng các bạn gái nên để ý là nổi mề đay, khó thở, tim đập nhanh, choáng váng, hay nôn mửa. Nếu cơ thể xuất hiện các dấu trên, bạnnên đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và thăm khám kịp thời nhé.

Lưu ý trong và sau khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung

-Bạn gái nên tiêm cùng một loại vaccine HPV cho cả ba liều.

-Nếu việc tiêm thuốc bị gián đoạn (tiêm trễ hạn) bạn gái nên nhớ:

+Không lặp lại từ đầu mà hãy tiếp tục liệu trình.

+Nếu mũi 2 bị tiêm trễ thì phải tiêm mũi 2, sau đó tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất là 3 tháng.

-Bạn gái có thể tiêm vaccine cùng lúc với các vaccine khác như: uốn ván, bạch hầu, ho gà, vaccine màng não tứ giá. Chỉ cần tuân thủ rằng không được hòa chung vào một ống tiêm.

-Nếu bạn đang có thai, bạn không nên tiêm vaccine HPV. Nhưng nếu đã lỡ tiêm vaccine HPV trong thai kì, đừng lo lắng quá vì bạn sẽ không phải tác động đến thai đâu nhé.