Trễ kinh bao lâu thì có tim thai? Tim thai xuất hiện như thế nào?
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Trễ kinh bao lâu thì có tim thai là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là với những cặp vợ chồng lần đầu làm cha mẹ. Bởi tim thai chính là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại và phát triển khỏe mạnh của một thiên thần bé nhỏ trong bụng mẹ. Để giải đáp được trễ kinh bao lâu thì có tim thai, hãy đón đọc những thông tin chính xác nhất trong bài viết dưới đây.
Quá trình thụ thai kéo dài bao lâu?
Quá trình thụ thai được tính từ thời điểm tinh trùng kết hợp với trứng tạo thành hợp tử cho đến lúc phôi thai làm tổ trong tử cung. Sau thụ tinh khoảng từ 3 – 4 ngày, hợp tử bắt đầu di chuyển vào tử cung để làm tổ, đồng thời phân bào 3 lần trong suốt thời gian di chuyển. Sau khi tìm được vị trí làm tổ thích hợp, phôi nang sẽ hình thành chân giả bám vào niêm mạc và hình thành nhau thai. Quá trình làm tổ thường kéo dài từ 7 – 10 ngày.
Tổng thời gian diễn ra quá trình thụ thai sẽ mất từ 13 – 14 ngày, tuy nhiên không phải làm tổ xong là phụ nữ đã thụ thai thành công. Trên thực tế, có 1/3 trường hợp trứng đã thụ tinh bám vào thành tử cung nhưng vẫn không mang thai do hợp tử bị đột biến nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào.
Thời gian diễn ra quá trình thụ thai sẽ mất từ 13 – 14 ngày (Nguồn: Sưu tầm)
Dấu hiệu nhận biết thai vào tử cung
Mặc dù thai đã vào tử cung nhưng lúc này em bé còn rất nhỏ nên thật khó để mẹ nhận thấy sự thay đổi của cơ thể. Tuy nhiên, không hoàn toàn không cảm nhận được, có một số mẹ nhạy cảm có thể nhận ra những dấu hiệu thay đổi như:
- Thân nhiệt tăng nhẹ: Sau khi thai nhi bám vào tử cung sẽ bắt đầu lấy đi oxy và chất dinh dưỡng từ máu của mẹ. Điều này khiến cơ thể mẹ phải tạo ra nhiều máu hơn, di chuyển với tốc độ nhanh để cung cấp nuôi dưỡng thai nhi. Do vậy, huyết áp của mẹ tăng và thân nhiệt cũng cao hơn so với người bình thường.
- Mệt mỏi, buồn ngủ: Trong giai đoạn này, cơ thể mẹ luôn phải tạo ra máu để có thể nuôi dưỡng thai nhi. Đồng thời sự gia tăng nồng độ estrogen, progesterone và lượng hormone hCG cũng tăng khiến cho cơ thể mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó chịu, buồn ngủ.
- Ra máu âm đạo: Vào khoảng 6 - 12 ngày sau khi thụ thai, nhiều mẹ xuất hiện dấu hiệu có một vài đốm máu nâu hoặc đỏ nhạt ở đáy quần lót. Hiện tượng này là do niêm mạc tử cung dày lên, giàu dưỡng chất và máu nên khi thai bám vào tử cung thành công sẽ gây ra chảy máu nhẹ ở vùng âm đạo.
- Ngực thay đổi: Tình trạng ngực căng, đau và hơi tức có thể là dấu hiệu báo thai đã vào tử cung. Tuy nhiên, các dấu hiệu này cũng có thể gặp vào ngày rụng trứng nên rất dễ nhầm lẫn. Nếu chị em phụ nữ có cảm giác này khi trễ kinh kéo dài từ 7 ngày trở lên thì rất có thể thai đã vào tử cung.
Dấu hiệu nhận biết thai vào tử cung là cơ thể mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó chịu, buồn ngủ (Nguồn: Sưu tầm)
Tim thai xuất hiện như thế nào?
Theo các chuyên gia, từ ngày thụ thai đến ngày thứ 16, phôi thai bắt đầu hình thành thêm hai mạch máu tạo ống dẫn đến tim. Đây được xem là bước đệm quan trọng cho phôi thai phát triển mạnh mẽ hơn dù tim thai chưa đủ hoàn thiện để co bóp.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của tim thai sẽ còn phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới cũng như sự phát triển của phôi thai. Trong giai đoạn này, trái tim của bé phát triển từ hình dạng ống, sau đó xoắn và phân chia. Bước cuối cùng là hình thành van tim và 4 buồng tim có nhiệm vụ mở và đóng máu để cung cấp máu từ tim đến khắp cơ thể bé.
Từ tuần thứ 20, nhịp đập của tim thai rõ ràng hơn và chỉ cần sử dụng tai nghe bình thường đã có thể nghe thấy được. Nhịp đập của tim thai càng to và dễ dàng nghe chứng tỏ thai nhi phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.
Trễ kinh bao lâu thì có tim thai?
Sau khi quan hệ tình dục, tinh trùng sẽ đi vào cơ thể nữ giới để tìm trứng và thụ tinh. Trứng được thụ tinh bắt đầu di chuyển vào tử cung làm tổ, quá trình này sẽ mất từ 7 - 8 ngày, tuy nhiên có trường hợp lên đến 14 ngày.
Thời điểm thụ thai thường đúng vào thời kỳ rụng trứng, khoảng thời gian rụng trứng là giữa chu kỳ kinh nguyệt, trước kỳ kinh từ 14 - 15 ngày. Thời gian thai vào tử cung sẽ kéo dài từ 9 - 12 ngày tiếp theo. Thai hoàn thành quá trình cấy thai vào tử cung, lúc này nếu chị em sử dụng que thử thai sẽ cho ra kết quả có thai.
Như vậy, trễ kinh bao lâu thì có tim thai là khoảng 14 - 20 ngày. Tuy nhiên, khoảng thời gian tính thời điểm rụng trứng, đậu thai và phôi thai có tim thai ở mỗi phụ nữ sẽ khác nhau tùy vào đặc điểm cơ thể từng người. Cách tốt nhất để xác định tim thai, chị em nên đi kiểm tra tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán cụ thể. Với hình ảnh trong buồng tử cung cùng sự hỗ trợ của máy siêu âm sẽ xác định chính xác hình ảnh và nhịp tim của thai nhi.
Siêu âm để xác định chính xác hình ảnh và nhịp tim của thai nhi (Nguồn: Sưu tầm)
Cần làm gì để tim thai khỏe mạnh?
Có thể thấy, thai nhi có rất nhiều sự phát triển và thay đổi diễn ra trong bụng mẹ. Có những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tim thai, chẳng hạn như bất thường về gen hay các tế bào nhiễm sắc thể. Tuy nhiên, các mẹ có thể thực hiện các bước sau để giúp tim thai luôn khỏe mạnh:
- Bổ sung axit folic trước và trong suốt thai kỳ để giúp ngăn ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
- Nếu mẹ hút thuốc lá, hãy bỏ càng sớm càng tốt. Một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy, mẹ bầu hút thuốc trong 3 tháng đầu tiên có thể gây ra tới 2% các dị tật của tim.
- Trong trường hợp bị đái tháo đường tuýp 2 hoặc đái tháo đường thai kỳ, các mẹ cần phải kiểm soát lượng đường trong máu khi mang thai. Bởi vì bệnh đái tháo đường có liên quan đến nguy cơ bị dị tật tim thai.
- Ngừng sử dụng Accutane - thuốc trị mụn trứng cá, vì có thể gây khuyết tật tim thai.
- Không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn và chất kích thích.
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp các chị em phụ nữ giải đáp được thắc mắc trễ kinh bao lâu thì có tim thai. Sau khi chậm kinh khoảng 2 tuần, chị em nên đi thăm khám để bác sĩ có thể xác định sớm những bất thường nếu có trong thai kỳ để hạn chế tối đa nguy cơ cho thai nhi. Đồng thời tư vấn các phương pháp bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi.