Phụ nữ bao nhiêu tuổi thì mãn kinh? Dấu hiệu và cách giảm triệu chứng mãn kinh an toàn
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Kinh nguyệt là dấu hiệu đánh dấu sự trưởng thành và khả năng sinh sản của mỗi người phụ nữ. Đến một độ tuổi nhất định, chu kỳ kinh nguyệt sẽ chấm dứt để mở ra một giai đoạn mới của người phụ nữ, gọi là thời kỳ mãn kinh. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng đều trải qua giai đoạn này dù sớm hay muộn. Vậy, phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt? Đây là câu hỏi được nhiều chị em quan tâm nhất. Hãy cùng tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi này thông qua bài viết sau đây cùng Kotex!
Mãn kinh là gì?
Mãn kinh là giai đoạn tự nhiên trong quá trình lão hóa của phụ nữ, diễn ra do sự giảm sút chức năng và hoạt động của buồng trứng. Điều này dẫn đến việc cơ thể không còn thực hiện được quá trình rụng trứng, ngưng sản xuất hormone nội tiết. Vì vậy, mãn kinh được coi là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản.
Thông thường, trước khi kỳ kinh nguyệt hoàn toàn ngừng lại, chu kỳ kinh ở phụ nữ có thể kéo dài hoặc rút ngắn, kèm theo sự thay đổi thất thường về lượng máu kinh. Do đó, rất khó để xác định chính xác thời điểm buồng trứng ngừng hoạt động hoàn toàn. Mãn kinh sẽ được chẩn đoán khi một người phụ nữ không có kinh nguyệt liên tiếp trong 12 tháng.
Mãn kinh diễn ra do sự giảm sút chức năng hoạt động của buồng trứng (Nguồn: Sưu tầm)
Phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt?
Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy rằng, thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ thường xảy ra trong khoảng từ 40 đến 50 tuổi, với độ tuổi trung bình là 51. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể bắt đầu sớm hơn, thậm chí ở độ tuổi 30.
Phụ nữ trải qua phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể bước vào thời kỳ mãn kinh ngay lập tức. Ngoài ra, các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị hoặc các bệnh lý như suy buồng trứng cũng có thể gây ra hiện tượng mãn kinh sớm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc ngừng kinh nguyệt chỉ là tạm thời và sẽ trở lại sau khi quá trình điều trị kết thúc.
Những dấu hiệu phổ biến khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh
Trước khi kỳ mãn kinh tìm đến với chị em phụ nữ, chị em sẽ phải đối diện với giai đoạn tiền mãn kinh. Các dấu hiệu nhận biết phổ biến trong giai đoạn này bao gồm:
Rối loạn kinh nguyệt
Ở giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt của chị em có thể gặp nhiều biến đổi như dừng đột ngột, rút ngắn, trở nên thưa hơn hoặc xuất hiện tình trạng rong kinh và rong huyết. Những biến động này là dấu hiệu ban đầu của thời kỳ mãn kinh. Đặc biệt, nếu xảy ra rong huyết trong giai đoạn này, phái nữ cần đến bác sĩ để kiểm tra và loại trừ khả năng mắc ung thư nội mạc tử cung. Việc thăm khám kịp thời sẽ giúp xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Khô âm đạo, khô da, khô mắt
Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường trải qua nhiều thay đổi về sức khỏe tình dục, bao gồm suy giảm ham muốn, khô rát âm đạo, khô da, khô mắt. Nguyên nhân chính của những triệu chứng này là do sự suy giảm hormone estrogen, dẫn đến tình trạng giảm lượng dịch tiết tự nhiên.
Sự suy giảm hormone estrogen làm giảm lượng dịch tiết tự nhiên của cơ thể (Nguồn: Sưu tầm)
Giảm chức năng sinh con
Phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh thì khả năng sinh sản sẽ có xu hướng giảm đáng kể. Điều này thể hiện qua việc khó thụ thai hơn so với trước đây và khi mang thai, nguy cơ thai nhi gặp các vấn đề bất thường cũng tăng lên. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn có thể mang thai trong vòng một năm sau khi hoàn toàn ngừng kinh.
Ở độ tuổi này, các nang noãn có thể biến đổi về yếu tố di truyền, khiến cho phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ sinh con mắc các rối loạn di truyền cao hơn, đặc biệt là hội chứng Down. Vì lý do này, các bác sĩ thường không khuyến khích mang thai trong giai đoạn này và khuyên nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả để đảm bảo sức khỏe.
Tăng cân, cơ thể chuyển hóa chậm
Thời kỳ mãn kinh mang đến nhiều thay đổi đáng kể cho cơ thể phụ nữ, trong đó có sự biến đổi về quá trình trao đổi chất. Khi bước vào giai đoạn này, nhiều người nhận thấy tốc độ trao đổi chất của họ chậm lại đáng kể. Điều này có nghĩa là cơ thể đốt cháy calo chậm hơn so với trước đây, ngay cả khi không có sự thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc mức độ hoạt động thể chất. Hậu quả trực tiếp của sự suy giảm tốc độ trao đổi chất này là xu hướng tăng cân đột ngột.
Dễ bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm
Một trong những triệu chứng phổ biến gây khó chịu nhất của giai đoạn mãn kinh chính là hiện tượng bốc hỏa. Theo các nghiên cứu và thống kê y khoa, khoảng 75% phụ nữ trong giai đoạn này phải trải qua những cơn nóng bừng đột ngột, khó kiểm soát. Mức độ của các cơn bốc hỏa có thể dao động từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào từng cá nhân. Cảm giác nóng bừng thường xuất hiện chủ yếu ở phần trên cơ thể, nhưng cũng có thể lan ra khắp cơ thể và kéo dài từ vài giây đến vài phút.
Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh dễ bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm (Nguồn: Sưu tầm)
Tâm trạng thất thường, lo âu
Một số chị em có thể trải qua việc thay đổi tâm trạng do sự dao động của nội tiết tố. Khi phụ nữ phải đối mặt với căng thẳng, sự xáo trộn này có thể làm tâm trạng xấu đi trong thời kỳ mãn kinh. Tâm trạng không tốt còn có thể xuất phát từ rối loạn giấc ngủ gây mệt mỏi hoặc từ việc phải điều chỉnh tâm lý do mất khả năng sinh sản.
Nguy cơ loãng xương
Sự suy giảm nội tiết tố estrogen trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và xương khớp. Estrogen có vai trò bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và giúp gắn kết canxi vào khung xương để chống loãng xương. Khi lượng estrogen giảm, các chức năng bảo vệ này bị suy yếu, dẫn đến nguy cơ cao về các vấn đề sức khỏe liên quan như loãng xương.
Suy giảm nội tiết tố Estrogen làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và xương khớp (Nguồn: Sưu tầm)
Vì sao phụ nữ thường bị rối loạn trong thời kỳ mãn kinh?
Phụ nữ thường bị rối loạn trong thời kỳ mãn kinh có thể do có thay đổi lớn về hormone trong cơ thể, đặc biệt là sự suy giảm estrogen và progesterone. Dao động hormone có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều, đổ mồ hôi đêm, rối loạn giấc ngủ,.. dẫn đến mệt mỏi. Sự suy giảm estrogen còn làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và các vấn đề về xương khớp, đồng thời làm giảm khả năng bảo vệ tim mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, thời kỳ mãn kinh còn đánh dấu sự kết thúc khả năng sinh sản, tạo ra căng thẳng tâm lý và cảm giác mất mát trong mỗi người. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại khiến phụ nữ dễ bị rối loạn hơn trong thời kỳ mãn kinh.
Cách giảm các triệu chứng ở giai đoạn mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh là thời điểm kéo theo nhiều triệu chứng khiến cơ thể chị em khó chịu. Do đó, việc hiểu rõ và có các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát hiệu quả có thể giúp cơ thể thoải mái hơn trong giai đoạn mãn kinh. Sau đây là một số cách giảm các triệu chứng mãn kinh phổ biến được nhiều chuyên gia khuyên dùng:
- Trong giai đoạn này, phái nữ nên áp dụng một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý ngay từ giai đoạn tiền mãn kinh. Việc ăn nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành hoặc cỏ linh lăng cùng với các thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D, Omega-3 và Omega-6 là rất quan trọng.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao sẽ giúp duy trì sự dẻo dai và sức khỏe của hệ xương cơ. Trong quan hệ tình dục, có thể sử dụng các chất bôi trơn để giảm cảm giác đau do khô teo âm đạo.
- Phụ nữ cũng nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện và xử lý sớm các bệnh phụ khoa. Bổ sung hàng ngày các loại thuốc chứa Canxi, Vitamin D và Vitamin E cũng rất cần thiết cho sức khỏe trong giai đoạn này.
Chế độ ăn uống khoa học và vận động thường xuyên sẽ giúp giảm các triệu chứng trong giai đoạn mãn kinh (Nguồn: Sưu tầm)
Việc hiểu rõ phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt không chỉ giúp chị em chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt hơn cho giai đoạn chuyển tiếp này, mà còn hỗ trợ trong việc lựa chọn lối sống và chăm sóc sức khỏe phù hợp. Thông qua bài viết, Kotex hy vọng có thể mang đến cho bạn những thông tin hữu ích nhất, giúp bạn dễ dàng áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đừng quên truy cập website Kotex để chọn ngay cho mình những sản phẩm băng vệ sinh chất lượng, để giúp “ngày ấy” của bạn được thoải mái hơn nhé.