Mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không? Biện pháp phòng ngừa hiệu quả

Mang thai ngoài tử cung là tình huống khẩn cấp trong sản phụ khoa, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động lớn đến tâm lý và cảm xúc của người phụ nữ. Do đó, hiểu rõ về tình trạng, nguyên nhân cũng như giải đáp được thắc mắc cho câu hỏi “mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không” sẽ giúp chị em có được những biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn. Hãy cùng Kotex tham khảo bài viết sau đây để có cái nhìn tổng quan về tình trạng mang thai ngoài tử cung và nhiều thông tin liên quan khác.

Mang thai ngoài tử cung là gì?

Mang thai ngoài tử cung, còn được gọi là mang thai ngoài dạ con, là tình trạng phôi thai không làm tổ bên trong tử cung mà phát triển ở các khu vực khác không thể nuôi dưỡng phôi như vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung hay trong ổ bụng.

Trong trường hợp phát hiện mang thai ngoài tử cung, việc kết thúc thai kỳ là bắt buộc để tránh nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ. Nếu không được can thiệp kịp thời, thai sẽ tiếp tục phát triển lớn hơn dẫn đến tình trạng vỡ ra, gây nguy hiểm cho mẹ, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tính đến hiện tại, đã có không ít trường hợp phụ nữ từng trải qua tình trạng mang thai ngoài tử cung một lần, lại tiếp tục gặp phải tình trạng tương tự trong những lần mang thai sau.

Mang thai ngoài tử cung là gì?

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng phôi thai không làm tổ bên trong tử cung mà phát triển ở các khu vực khác (Nguồn: Tham khảo)

Mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không?

Một câu hỏi thường gặp là liệu phụ nữ mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không. Thực tế, trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, người phụ nữ có thể vẫn có những triệu chứng giống như kinh nguyệt, nhưng đây không phải là kinh nguyệt thực sự.

Mang thai ngoài tử cung sẽ có biểu hiện đa dạng và không giống nhau ở mỗi trường hợp. Dù vậy, vẫn có ba triệu chứng thường gặp nhất ở chị em khi mang thai ngoài tử cung là ngưng kinh, đau bụng và chảy máu âm đạo. Khi khối thai vỡ, xuất hiện tình trạng chảy máu và đau bụng. Sự khác biệt nhỏ là dòng chảy máu này có thể trông rất giống với máu kinh nguyệt bình thường, khiến nhiều mẹ bầu dễ bị nhầm lẫn với kỳ kinh nguyệt.

Điều quan trọng là dù trong bất kỳ trường hợp chảy máu bất thường nào, bạn cũng cần đến và gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không?

Mang thai ngoài tử cung thường có triệu chứng mất kinh (Nguồn: Tham khảo)

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung tháng đầu

Trên thực tế, chị em có thể phát hiện sớm tình trạng mang thai ngoài tử cung trong tháng đầu thông qua một số dấu hiệu đơn giản sau đây:

  • Không xuất hiện kinh nguyệt: Tất cả phụ nữ mang thai đều trải qua tình trạng mất kinh nguyệt đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa và kết quả thử thai dương tính.
  • Đi ngoài nhiều lần: Phụ nữ mang thai ngoài tử cung thường gặp tình trạng đi ngoài nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa và viêm ruột.
  • Cơ thể cảm giác mệt mỏi: Nhiều mẹ bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, sắc mặt tái, miệng khô, có cảm giác đánh trống ngực và sợ lạnh.
  • Đau bụng: Khoảng 95% phụ nữ mang thai ngoài tử cung đều trải qua cơn đau bụng. Triệu chứng này thường xuất hiện do khối thai phát triển lớn, gây căng và có thể dẫn đến vỡ ống dẫn trứng. Cơn đau có thể diễn ra theo từng đợt, dữ dội và đi kèm với cảm giác buồn nôn, tức ngực.

Biện pháp phòng ngừa mang thai ngoài tử cung hiệu quả

Dù không thể chắc chắn rằng sẽ ngăn chặn được việc mang thai ngoài tử cung, nhưng vẫn có một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả giúp chị em giảm được nguy cơ mắc phải, cụ thể như:

Vệ sinh âm đạo sạch sẽ

Để bảo vệ sức khỏe sinh sản, chị em nên thực hiện vệ sinh cá nhân đúng cách. Có thể bắt đầu bằng việc rửa vùng kín hàng ngày với các sản phẩm vệ sinh có độ pH thích hợp. Việc thay quần lót thường xuyên và phơi dưới ánh nắng cũng giúp giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, chị em cũng nên tránh sử dụng những sản phẩm tẩy rửa mạnh hoặc thụt rửa âm đạo, vì điều này có thể làm mất cân bằng môi trường tự nhiên trong cơ thể.

Vệ sinh âm đạo sạch sẽ

Nên vệ sinh vùng kín với các sản phẩm vệ sinh có độ pH thích hợp (Nguồn: Tham khảo)

Quan hệ tình dục an toàn

Để bảo vệ sức khỏe và tránh trường hợp mang thai ngoài ý muốn, việc quan hệ tình dục cần được thực hiện một cách có trách nhiệm. Tránh quan hệ bừa bãi, đồng thời sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, luôn đeo bao cao su để phòng ngừa bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Quan hệ tình dục an toàn không chỉ giúp phòng tránh được nhiều bệnh lây truyền mà còn giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm vùng chậu, từ đó giảm nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Khám phụ khoa định kỳ

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bao gồm nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Đặc biệt, khi biết mình mang thai, việc đi khám nhằm xác định thai nhi đã vào tử cung hay chưa là vấn đề vô cùng quan trọng mà mẹ phải chú ý. Nếu phát hiện thai ngoài tử cung, can thiệp và điều trị sớm sẽ giúp nâng cao cơ hội thành công cũng như giảm thiểu tốt hơn những biến chứng nguy hiểm.

Thường xuyên đi khám phụ khoa

Đi khám để xác định thai nhi đã vào tử cung hay chưa là vấn đề vô cùng quan trọng (Nguồn: Tham khảo)

Chữa trị các bệnh lý phụ khoa

Trước khi mang thai, chị em nên đảm bảo sức khỏe về các bệnh lý phụ khoa bằng cách điều trị dứt điểm các bệnh có thể dẫn đến mang thai ngoài tử cung như hẹp vòi trứng, viêm nhiễm âm đạo, bệnh lây truyền qua đường tình dục,...

Cách điều trị thai ngoài tử cung

Khi được chẩn đoán đang mắc phải tình trạng mang thai ngoài tử cung, có một số phương pháp điều trị chị em có thể áp dụng tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng và sức khỏe bản thân.

Sử dụng thuốc

Với những trường hợp mang thai ngoài tử cung được phát hiện sớm, khi mà kích thước khối thai vẫn còn nhỏ và chưa vỡ, phương pháp điều trị sử dụng thuốc là lựa chọn được áp dụng phổ biến. 

Methotrexate chính là thuốc được dùng trong trường hợp này, với mục đích ức chế phát triển của tế bào, giúp khối thai tự tiêu biến trong vòng 4-6 tuần. Tuy nhiên, việc sử dụng Methotrexate có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, chán nản, rụng tóc, loét miệng, tiêu chảy, thậm chí là suy gan, suy thận. Vì vậy, thai phụ chỉ nên sử dụng thuốc và tuân thủ liều lượng được bác sĩ chỉ định.

Sử dụng thuốc điều trị

Nếu phát hiện sớm có thể sử dụng thuốc để điều trị mang thai ngoài tử cung (Nguồn: Tham khảo)

Phẫu thuật nội soi

Trong trường hợp khối thai có kích thước lớn nhưng chưa vỡ, phương pháp phẫu thuật nội soi có thể được áp dụng. Vào thời điểm này, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ về hai lựa chọn phẫu thuật khả thi: phẫu thuật mở thông vòi trứng hoặc phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng. Cả hai phương pháp đều yêu cầu can thiệp của bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại bệnh viện.

Phẫu thuật mở bụng

Nếu khối thai đã phát triển lớn và bị vỡ, dẫn đến xuất huyết trầm trọng, cần thực hiện phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở bụng khẩn cấp để ngăn chặn xuất huyết cũng như khắc phục tình trạng. Mục tiêu chính của phẫu thuật này là kiểm soát xuất huyết, loại bỏ khối thai và phục hồi sức khỏe cho thai phụ.

Sử dụng thuốc điều trị

Nếu khối thai phát triển lớn và bị vỡ cần phẫu thuật mở bụng ngay lập tức (Nguồn: Tham khảo)

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nghiêm trọng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ nếu không được phát hiện sớm. Hy vọng thông qua bài viết này, Kotex có thể cung cấp đầy đủ cho bạn những thông tin cần thiết nhất về tình trạng mang thai ngoài tử cung và giải đáp được thắc mắc “mang thai ngoài tử cung có kinh nguyệt không”. Đừng quên truy cập website Kotex để chọn ngay cho mình những sản phẩm băng vệ sinh chất lượng, để giúp “ngày ấy” của bạn được thoải mái hơn nhé.

Kimberly-Clark makes no warranties or representations regarding the completeness or accuracy of the information. This information should be used only as a guide and should not be relied upon as a substitute for professional medical or other health professional advice.