Mãn kinh sớm: Cách kéo dài tuổi kinh nguyệt dành cho phụ nữ
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Độ tuổi mãn kinh ở phụ nữ Việt trung bình là 51 tuổi, tuy nhiên một số trường hợp thời kỳ này có xu hướng đến sớm hơn. Tình trạng mãn kinh sớm không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, chất lượng cuộc sống mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Vậy mãn kinh sớm là gì? Làm thế nào để kéo dài tuổi kinh nguyệt? Hãy cùng Kotex tìm hiểu thông tin về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Thế nào là mãn kinh sớm?
Mãn kinh là tình trạng suy giảm chức năng và hoạt động của buồng trứng, chấm dứt chu kỳ rụng trứng, mất kinh nguyệt và không còn khả năng sinh sản của người phụ nữ. Thông thường, mãn kinh được chẩn đoán khi người phụ nữ không có kinh nguyệt liên tục trong 12 tháng. Độ tuổi mãn kinh tự nhiên diễn ra từ 45 - 55 tuổi, trong đó độ tuổi trung bình để mãn kinh là 51 tuổi.
Tuy nhiên, một số trường hợp thời kỳ mãn kinh có thể bắt đầu sớm hơn do nhiều nguyên nhân khác nhau như di truyền, lối sống, bệnh tật hoặc phẫu thuật. Theo số liệu thống kê, có khoảng 0.3 – 0.9 % phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh sớm trước 40 tuổi.
Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh sớm trước 40 tuổi (Nguồn: Sưu tầm)
Mãn kinh sớm nên uống thuốc gì?
Theo các chuyên gia, thời kỳ mãn kinh sớm không cần can thiệp điều trị y tế, thay vào đó áp dụng các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa vấn đề sức khỏe. Một số giải pháp giúp cải thiện triệu chứng mãn kinh sớm có thể kể đến như:
- Liệu pháp hormone thay thế: Tùy thuộc vào tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, các yếu tố nguy cơ mà bác sĩ có thể khuyên dùng Estrogen ở liều thấp nhất, khung thời gian ngắn nhất để cải thiện triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Ngoài ra, Estrogen cũng giúp ngăn ngừa loãng xương ở thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, việc bổ sung Estrogen có thể gây tác dụng không mong muốn, do đó chị em chỉ sử dụng liệu pháp này theo chỉ định và dưới sự theo dõi của bác sĩ.
- Estrogen âm đạo: Estrogen dạng kem bôi hoặc thuốc đặt âm đạo có tác dụng phóng thích một lượng nhỏ Estrogen vào các mô âm đạo, nhờ đó giúp cải thiện triệu chứng khô âm đạo ở phụ nữ mãn kinh. Đồng thời giúp việc giao hợp được dễ dàng hơn, giảm đau rát và cải thiện một số triệu chứng tiết niệu.
- Một số loại thuốc đặc trị: Nếu tình trạng mất cân bằng nội tiết tố không quá nặng hoặc chị em không đáp ứng với thuốc thay thế hormone, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc đặc trị để cải thiện những triệu chứng mãn kinh sớm như thuốc chống trầm cảm liều thấp, Gabapentin, Clonidine, thuốc điều trị loãng xương,…
Sử dụng thuốc chống trầm cảm liều thấp, điều trị loãng xương để cải thiện các triệu chứng mãn kinh sớm (Nguồn: Sưu tầm)
Dấu hiệu nhận biết mãn kinh sớm
Các dấu hiệu mãn kinh sớm cũng tương tự với mãn kinh tự nhiên. Bước vào thời kỳ này, hệ trục vàng gồm vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng sẽ giảm hoạt động, dẫn đến sự xáo trộn 3 nội tiết tố nữ là Progesterone, Estrogen và Testosterone. Lúc này, người phụ nữ sẽ phải đối mặt với hàng loạt triệu chứng khó chịu cả về thể chất lẫn tinh thần như:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh, lượng máu kinh ra nhiều hoặc quá ít.
- Bốc hỏa, cảm giác có cơn nóng xuất hiện đột ngột trong thời gian ngắn
- Đổ mồ hôi vào ban đêm
- Khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc hoặc mất ngủ
- Khô âm đạo, khó chịu, đau rát khi quan hệ, giảm ham muốn tình dục
- Thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, nóng giận, tủi thân, lo âu,...
- Nám, sạm da, rụng tóc
- Nguy cơ mắc bệnh về xương khớp, loãng xương và tim mạch
- Nhiễm trùng đường tiểu, tiểu rắt, đau khi tiểu,...
Bốc hỏa, cảm giác có cơn nóng xuất hiện đột ngột (Nguồn: Sưu tầm)
Tại sao phụ nữ bị mãn kinh sớm?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiền mãn kinh sớm, có thể kể đến như:
- Di truyền: Nếu gia đình có bà, mẹ, dì, chị gái bị mãn kinh sớm thì khả năng bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng này cao hơn người bình thường.
- Lối sống sinh hoạt: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một vài yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống thiếu hụt dưỡng chất, không vận động, uống rượu bia, hút thuốc lá,… có thể thúc đẩy thời kỳ mãn kinh diễn ra sớm hơn.
- Bệnh lý: Nữ giới bị suy buồng trứng, đa nang buồng trứng hoặc mắc bệnh lý phải hóa trị, xạ trị vùng chậu,… sẽ có nguy cơ mãn kinh sớm.
- Phẫu thuật: Nữ giới trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng cũng có thể bị mãn kinh sớm.
- Nhiễm sắc thể bất thường: Hội chứng nhiễm sắc thể X hoặc hội chứng Turner có thể làm rối loạn chức năng của buồng trứng, gây suy buồng trứng và dẫn đến mãn kinh sớm.
Mãn kinh sớm có ảnh hưởng gì không?
Mãn kinh sớm dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất nhiều cả về mặt tâm lý và sức khỏe của nữ giới. Cụ thể như sau:
Ảnh hưởng đến tâm lý
Bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ không khỏi lo lắng, sợ hãi vì suy giảm khả năng sinh sản, không thể sinh con. Bên cạnh đó, tình trạng này còn làm suy giảm nội tiết tố nữ khiến phụ nữ cảm thấy khó chịu, nhạy cảm, dễ cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc và lo lắng thái quá. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến stress, trầm cảm và những hệ lụy đáng tiếc.
Mãn kinh sớm khiến phụ nữ cảm thấy khó chịu, nhạy cảm, dễ cáu gắt (Nguồn: Sưu tầm)
Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản
Nhiều chị em phụ nữ mãn kinh sớm khi chưa được 40 tuổi, họ vẫn có mong muốn sinh con. Tuy nhiên, tình trạng mãn kinh sớm khiến buồng trứng ngừng hoạt động, nữ giới sẽ không còn khả năng sinh sản. Đối với phụ nữ mãn kinh sớm do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, cắt bỏ tử cung hay thực hiện hóa trị, xạ trị ung thư vùng chậu thì khả năng sinh sản càng thấp, thậm chí vô sinh.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Phụ nữ mãn kinh sớm sẽ có nguy cơ đối mặt với các mối đe dọa về sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng đường tiểu,... hoặc mắc các bệnh lý như loãng xương, tim mạch, ung thư vú, ung thư cổ tử cung,… Bên cạnh đó, những phụ nữ mãn kinh sớm trước 40 tuổi có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 1,5 lần so với những người mãn kinh trong độ tuổi 50 - 54.
Ảnh hưởng đến chuyện “chăn gối”
Rối loạn nội tiết tố thời kỳ mãn kinh sẽ gây khô âm đạo khiến chị em cảm thấy khó chịu, đau rát mỗi khi quan hệ. Điều này có thể gây chảy máu nhẹ sau khi quan hệ, giảm ham muốn tình dục và ảnh hưởng đến chuyện “chăn gối” vợ chồng. Bên cạnh đó, những áp lực về chuyện sinh nở, thay đổi tiền mãn kinh, mất ngủ, mệt mỏi cũng khiến chị em ngại gần gũi với chồng, tạo khoảng cách trong đời sống vợ chồng.
Mãn kinh sớm làm giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng chuyện “chăn gối” vợ chồng (Nguồn: Sưu tầm)
Ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài
Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, lượng nội tiết tố nữ có sự suy giảm mạnh và gây ra các vấn đề về da như khô sạm, xuất hiện đốm đồi mồi, nếp nhăn,... Ngoài ra, những vấn đề như móng giòn, dễ gãy, rụng tóc, tăng cân,... cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngoại hình của phụ nữ.
Làm thế nào để kéo dài tuổi kinh nguyệt?
Mãn kinh sớm khiến phụ nữ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực cả về nhan sắc, tâm sinh lý lẫn sức khỏe. Vì thế, nhiều chị em thường hay quan tâm đến vấn đề làm thế nào để kéo dài tuổi kinh nguyệt. Để có thể trì hoãn giai đoạn này, các chị em có thể tham khảo và áp dụng một số phương pháp sau đây:
Chế độ ăn uống dinh dưỡng
Một chế độ ăn uống khoa học giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể khỏe mạnh, điều hòa nội tiết tố. Từ đó giúp phụ nữ trì hoãn kinh nguyệt hiệu quả và kéo dài thanh xuân. Hãy thực hiện nguyên tắc ăn uống lành mạnh sau đây để tốt cho sức khỏe cũng như sắc đẹp, tâm sinh lý:
- Bổ sung thực phẩm giàu đạm, chất xơ, canxi, omega 3, omega 6,...
- Tăng cường nhiều rau xanh, củ quả, trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, thanh lọc và giải độc cơ thể.
- Hạn chế ăn nhiều đường, dầu mỡ, cay nóng, các chất kích thích như rượu, bia,...
Cung cấp đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức khỏe, cải thiện rối loạn nội tiết (Nguồn: Sưu tầm)
Rèn luyện sức khỏe thường xuyên
Việc tập thể dục thể thao hằng ngày sẽ giúp kích thích sản xuất nội tiết tố tự nhiên, cân bằng hormone estrogen và progesterone. Bên cạnh đó, tập luyện đều đặn còn hỗ trợ thúc đẩy cơ thể tiết ra endorphin - một loại hormone làm giảm căng thẳng và tăng cường tâm trạng tích cực. Tinh thần thoải mái, vui vẻ sẽ giúp điều hòa cảm xúc, cải thiện tình trạng mất cân bằng nội tiết tố, góp phần phòng ngừa mãn kinh sớm. Do đó, mỗi ngày chị em hãy vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga, thiền,...
Nghỉ ngơi hợp lý
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thiếu ngủ có thể làm giảm sản xuất hormone estrogen và testosterone, dẫn đến rối loạn nội tiết tố và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý. Do đó, phụ nữ cần ngủ đủ giấc, đảm bảo ngủ từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày để duy trì sức khỏe và tăng cường hormone, phòng ngừa tình trạng mãn kinh sớm. Bên cạnh đó, chị em cũng cần sắp xếp công việc khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn nhiều hơn để giữ tâm trạng thoải mái, giảm áp lực và stress.
Nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn nhiều hơn để giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ (Nguồn: Sưu tầm)
Hạn chế dùng mỹ phẩm
Một số nghiên cứu khoa đã chứng minh, chất dẻo và chất Phthalates được sử dụng trong mỹ phẩm có thể làm rối loạn nội tiết, gây trở ngại đến khả năng điều tiết hormone của cơ thể nữ giới. Do đó, phụ nữ nên giảm thiểu mức độ tiếp xúc với các hóa chất này để giúp duy trì sự cân bằng hormone, tránh tình trạng mãn kinh sớm.
Không lạm dụng rượu, bia, thuốc lá
Theo các chuyên gia, lối sống không lành mạnh như sử dụng thường xuyên chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống thiếu chất,... có thể đẩy nhanh tốc độ lão hóa buồng trứng ở phụ nữ, gây nên nguy cơ tiềm ẩn mãn kinh sớm hoặc mắc các bệnh lý ở buồng trứng. Chính vì vậy, chị em nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn, rượu bia hay các chất kích thích. Thay vào đó có thể sử dụng các loại trà như trà xanh, trà thiên ma hay trà bạch quả để tăng cường sức khỏe, cải thiện rối loạn nội tiết tố và phòng ngừa tình trạng mãn kinh sớm.
Bổ sung nội tiết tố từ thảo dược
Bên cạnh việc xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học, phụ nữ khi gặp phải vấn đề mãn kinh sớm có thể cân nhắc sử dụng các loại sản phẩm bổ sung có chứa Estrogen thảo dược để giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Hầu hết các sản phẩm bổ sung Estrogen được điều chế từ các thành phần thảo dược, có cơ chế tác động tương tự với Estrogen. Khi đi vào cơ thể sẽ hấp thụ và hỗ trợ giảm các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo, sạm nám da và trì hoãn mãn kinh.
Bổ sung nội tiết tố từ các sản phẩm chứa thành phần thảo dược để ngăn ngừa mãn kinh sớm (Nguồn: Sưu tầm)
Qua bài viết này, chắc hẳn các chị em đã biết làm thế nào để kéo dài tuổi kinh nguyệt ở phụ nữ. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa từ giai đoạn sớm, chị em cũng cần thăm khám định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến mãn kinh sớm, giúp duy trì sức khỏe sinh sản.