Mãn kinh: Phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt? Dấu hiệu nhận biết

Mãn kinh là thời điểm thay đổi sinh lý tự nhiên của cơ thể nữ giới, đánh dấu sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt liên tục 12 tháng do suy giảm chức năng buồng trứng. Khi bước vào giai đoạn này, cơ thể phụ nữ sẽ có nhiều biến đổi về tâm lý, sức khỏe, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy mãn kinh là gì? Phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, hãy cùng Kotex tham khảo nội dung trong bài viết dưới đây.

Mãn kinh là gì?

Mãn kinh là một tiến trình tự nhiên của quá trình lão hóa đối với phụ nữ do sự suy giảm chức năng buồng trứng, khiến cơ thể nữ giới không còn diễn ra quá trình rụng trứng và ngừng sản xuất các nội tiết tố nữ. Lúc này, người phụ nữ sẽ ngừng chu kỳ kinh mỗi tháng và không còn khả năng sinh sản.

Theo các chuyên gia, trước khi chấm dứt kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, chu kỳ kinh có thể diễn ra dài hoặc ngắn hơn với lượng máu kinh thay đổi thất thường. Thời điểm mãn kinh sẽ được chẩn đoán khi phụ nữ không hành kinh trong vòng 12 tháng liên tục.

Mãn kinh là gì

Mãn kinh do suy giảm chức năng buồng trứng, không còn diễn ra quá trình rụng trứng và ngừng sản xuất các nội tiết tố nữ (Nguồn: Sưu tầm)

Kết thúc kinh nguyệt trải qua những giai đoạn nào?

Thời kỳ mãn kinh diễn tiến dần theo tuổi tác của nữ giới và trải qua các giai đoạn sau:

  • Tiền mãn kinh: Giai đoạn tiền mãn kinh có thể bắt đầu từ 8 - 10 năm trước khi chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh. Ở giai đoạn này, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường bị rối loạn, chức năng của buồng trứng suy giảm, lượng estrogen trong cơ thể tiết ra giảm dần. Vào khoảng 1 - 2 năm cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, sự sụt giảm Estrogen diễn ra nhanh hơn và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của mãn kinh. 
  • Mãn kinh: Thời kỳ mãn kinh sẽ bắt đầu từ khi nữ giới không có kinh nguyệt liên tục trong 12 tháng. Ở giai đoạn này, buồng trứng đã ngừng hoạt động hoàn toàn, cơ thể không còn sản xuất nội tiết Estrogen và Progesterone. 
  • Hậu mãn kinh: Là khoảng thời gian sau khi nữ giới không còn xuất hiện kinh nguyệt. Ở thời kỳ hậu mãn kinh, các biểu hiện rối loạn xảy ra trước đó trong cơ thể đã dần biến mất.

Phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt?

Có nhiều yếu tố quyết định phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt như sức khỏe cá nhân, tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt hoặc đang điều trị bệnh lý phụ khoa,… Thông thường, tuổi mãn kinh của phụ nữ ở khoảng 45 - 55 tuổi, trung bình là 51 tuổi. Tuy nhiên theo quan sát của các nhà khoa học, độ tuổi mãn kinh hiện đang có xu hướng trẻ hóa, có những người chính thức bước vào giai đoạn mãn kinh ở độ tuổi 40.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh ở phụ nữ như sức khỏe, thói quen sinh hoạt

Tuổi mãn kinh của phụ nữ ở khoảng 45 - 55 tuổi (Nguồn: Sưu tầm)

Dấu hiệu nhận biết sắp hết kinh nguyệt

Dưới đây là những dấu hiệu đặc trưng khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh:

Kinh nguyệt không đều

Khi lượng Estrogen giảm xuống, chu kỳ kinh nguyệt sẽ không ổn định, có thể là trễ kinh, rong kinh, thưa kinh, lượng máu ra nhiều hoặc ít hơn trước đây, thậm chí chu kỳ kinh dừng đột ngột.

Mắt, miệng và da bị khô

Một trong các dấu hiệu mãn kinh dễ nhận thấy nhất là da của phụ nữ bị khô ráp, chảy xệ, mỏng dần và dễ bị kích ứng. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do sự suy giảm nồng độ Estrogen trong cơ thể nữ giới.

Da khô ráp, chảy xệ do nồng độ Estrogen giảm

Phụ nữ mãn kinh thường bị khô da do suy giảm nồng độ Estrogen (Nguồn: Sưu tầm)

Giảm chức năng sinh sản

Vào thời kỳ mãn kinh, chức năng buồng trứng của nữ giới suy giảm, làm giảm khả năng sinh sản, dẫn đến việc mang thai trở nên khó khăn hơn. Nếu phụ nữ mang thai trong độ tuổi này, khả năng thai nhi bị dị tật bất thường rất cao, đặc biệt là hội chứng Down. Do đó, các bác sĩ không khuyến khích phụ nữ lớn tuổi mang thai, tốt nhất là nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.

Loãng xương

Hormone Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cho xương, giúp tăng tốc độ hấp thụ của canxi. Khi sắp bắt đầu thời kỳ mãn kinh, chức năng buồng trứng bị suy giảm, lượng Estrogen trong cơ thể cũng giảm sút khiến trọng lượng xương bị mất một lượng lớn, bị giòn xốp, dễ gãy và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của xương khớp.

Bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm

Nữ giới sẽ  có cảm giác bốc hỏa, nóng đột ngột, thường là xung quanh mặt và phần trên cơ thể kéo dài từ vài giây đến nhiều phút do sự mất cân bằng về nồng độ hormone Estrogen. Ngoài những cơn bốc hỏa, phụ nữ mãn kinh còn bị đổ mồ hôi về đêm khiến họ tỉnh giấc giữa đêm, ngủ không sâu giấc hoặc mất ngủ.

Cảm giác nóng, bốc hỏa do sự mất cân bằng nồng độ hormone Estrogen

Do mất cân bằng nồng độ hormone khiến phụ nữ có cảm giác bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh (Nguồn: Sưu tầm)

Bệnh tim mạch

Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, lượng Estrogen sẽ giảm dần, cholesterol và đường tăng, tim và các mạch máu cũng trở nên cứng hơn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở nữ giới do tắc nghẽn các mạch máu.

Tâm trạng thất thường

Phụ nữ thường cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, lo lắng, căng thẳng và dễ bị kích thích, thậm chí là trầm cảm nhẹ vào khoảng thời gian mãn kinh do sự mất cân bằng của nồng độ hormone.

Mắc các bệnh ung thư sinh dục ở nữ

Những thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng gấp đôi. Do đó, bác sĩ khuyên phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh nên khám phụ khoa và khám vú định kỳ để sàng lọc và chẩn đoán các loại ung thư phụ khoa ở giai đoạn sớm.

Trí nhớ giảm, khó tập trung

Nhiều người  nhận thấy họ khó tập trung và bị suy giảm trí nhớ trong thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do nồng độ Estrogen giảm, kết hợp chứng mất ngủ của thời kỳ tiền mãn kinh khiến phụ nữ mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ.

Suy giảm trí nhớ trong thời kỳ mãn kinh

Phụ nữ bị suy giảm trí nhớ trong thời kỳ mãn kinh do nồng độ Estrogen giảm (Nguồn: Sưu tầm)

Tần suất đi tiểu và són tiểu nhiều

Vào khoảng thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thể bị tăng tần suất đi tiểu, tiểu lắt nhắt, són tiểu do sự suy giảm Estrogen và dẫn đến rò rỉ bàng quang. Ngoài ra, mãn kinh cũng có thể dẫn đến sự suy yếu của cấu trúc hỗ trợ vùng chậu, làm tăng nguy cơ sa cơ quan vùng chậu, dẫn đến tình trạng tiểu tiện không tự chủ.

Phương pháp an toàn để giảm triệu chứng hết kinh nguyệt

Để trải qua giai đoạn mãn kinh một cách nhẹ nhàng nhất, đồng thời giúp phòng ngừa các bệnh lý hậu mãn kinh, các chuyên gia khuyên chị em phụ nữ nên bổ sung estrogen để giúp cân bằng lượng Estrogen đang bị thiếu hụt trong cơ thể. Đối với phương pháp này, phái nữ  nên tìm đến sự tư vấn và hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.

Bên cạnh liệu pháp tăng hàm lượng Estrogen, các phương pháp sau đây cũng giúp cải thiện sức khỏe phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh:

  • Giữ cân nặng ổn định: Theo các chuyên gia, phụ nữ có cân nặng hơn mức bình thường hay có chỉ số mô mỡ cao dễ phải chịu nhiều cảm giác nóng bừng, bốc hỏa và đổ nhiều mồ hôi hơn.
  • Bổ sung axit béo: Việc bổ sung Axit béo như omega 3 và omega 6 có tác dụng giảm thiểu tình trạng khô âm đạo, khô da, hạn chế nhiễm trùng đường tiểu,... Axit béo được tìm thấy nhiều trong hạt hướng dương, đậu nành, rong biển, cá và các loại rau họ đậu.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích: Không lạm dụng đồ uống có cồn, cafein, và tránh xa thuốc lá vì sẽ tác động xấu tới sức khỏe, khiến các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Phụ nữ nên ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng/ngày, sắp xếp công việc khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và dành thời gian thư giãn để giúp giữ tâm trạng luôn thoải mái, tránh stress và trầm cảm.
  • Rèn luyện thể dục: Tập luyện thể dục mỗi ngày sẽ giúp cơ thể dẻo dai hơn, tăng sức đề kháng và giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh.
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ: Chị em nên duy trì thói quen thăm khám phụ khoa ít nhất từ 3 - 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các bất thường trong giai đoạn mãn kinh và có biện pháp xử trí ngay từ sớm.

Hy vọng những thông tin hữu ích mà Kotex chia sẻ trên đã giúp chị em giải đáp được câu hỏi phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt. Tình trạng mãn kinh là sự thay đổi sinh lý tự nhiên, ở hầu hết phụ nữ thì nồng độ hormone sẽ dần trở nên ổn định và giảm các triệu chứng khó chịu. Nếu  thấy xuất hiện mãn kinh kèm theo các dấu hiệu bất thường thì nên đến cơ sở y tế thăm khám để có những biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân.

 

Kimberly-Clark makes no warranties or representations regarding the completeness or accuracy of the information. This information should be used only as a guide and should not be relied upon as a substitute for professional medical or other health professional advice.